Đây là khối lượng công việc khổng lồ, cho thấy quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành trong công tác lập pháp.

Bên lề Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã trao đổi với đại biểu Lý Thị Lan, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Hà Giang về vấn đề này.

Về khía cạnh lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét cho ý kiến, thông qua lượng dự án luật rất lớn và kỷ lục từ trước tới giờ. Đại biểu đánh giá như thế nào về sự chuẩn bị các dự án luật và lấy ý kiến tại Kỳ họp này?

Tôi cho rằng công tác lập pháp trong kỳ họp lần thứ 7 là dấu ấn của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV này. Bởi vì, với khối lượng công việc lập pháp rất lớn, thông qua 10 dự án luật và 3 nghị quyết, cho ý kiến 11 dự án luật là khối lượng công việc rất lớn. Chúng tôi cũng đánh giá và ghi nhận rất cao đối với các cơ quan chủ trì soạn thảo và Chính phủ đã rất tích cực, chuẩn bị kỹ lưỡng, hồ sơ đầy đủ, thời gian trình các hồ sơ dự án luật đã đảm bảo được theo đúng quy định của pháp luật.

Các cơ quan thẩm tra của Quốc hội đã chuẩn bị rất tích cực, khẩn trương, bắt tay ngay vào công tác thẩm tra, tổ chức các cuộc họp của Ủy ban thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên, liên tục. Đồng thời, các cơ quan thẩm tra đã có sự thay đổi, điều chỉnh liên tục các cuộc họp để đáp ứng được đúng thời gian hoàn chỉnh về các dự án luật.

Còn các đại biểu Quốc hội, với tinh thần tâm huyết, trách nhiệm và thẳng thắn, dành nhiều thời gian, trí tuệ để nghiên cứu từng dự án luật và góp ý, phát biểu thẳng thắn tại thảo luận tại tổ, thảo luận tại hội trường. Những góp ý này góp phần để nâng cao chất lượng của dự án luật.

Đặc biệt, việc tiếp thu các ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại hội trường, công tác tổng hợp của thư ký rất nhanh và kịp thời. Ngay sau buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã có thể đọc lại được các ý kiến của mình. Các cơ quan soạn thảo có thể tổng hợp và khẩn trương có tiếp thu, giải trình, cung cấp lại cho cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội những nội dung tiếp thu và những nội dung còn băn khoăn để đại biểu Quốc hội tiếp tục có những kênh để phản ánh.

Đại biểu cũng rất ghi nhận sự đóng góp của các cơ quan truyền thông đối với việc xây dựng pháp luật của Quốc hội. Các cơ quan truyền thông đã rất kịp thời phản ánh đúng diễn biến tại nghị trường của Quốc hội để cử tri theo dõi. Qua các kênh truyền thông, cử tri cũng có thể phản ánh ý kiến của mình, đây cũng là kênh để các cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội tham khảo thêm thông tin, kịp thời nắm bắt được những ý kiến của cử tri để tiếp tục tham gia vào các dự án luật.

Tôi thấy rất vui mừng khi kỳ họp này, nội dung xây dựng pháp luật đã đạt được mục tiêu đề ra, đó là làm sao để tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống xây dựng pháp luật và đáp ứng được đúng theo yêu cầu thực tiễn đang đòi hỏi.

Theo tờ trình, Chính phủ đề xuất cho phép Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Đại biểu kỳ vọng như thế nào khi những dự án Luật có hiệu lực sớm?

Dự án sửa đổi về Luật đất đai, Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng được đẩy sớm thời gian có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì 1/1/2025. Đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét về việc Chính phủ trình về việc đẩy sớm thời hiệu của dự án luật.

Vấn đề này được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm và cũng ủng hộ Chính phủ. Ở đây, Quốc hội đã thể hiện sự đồng hành, chia sẻ cùng với Chính phủ, tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội và Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin và dữ liệu, những đánh giá rất cụ thể về những mặt được, những vấn đề có thể xảy ra rủi ro khi đẩy sớm thời gian có hiệu lực của các dự án luật.

Những nội dung này, Chính phủ và các bộ, ngành đã có giải trình rất kỹ lưỡng với đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại hội trường. Với phần giải trình này, các đại biểu Quốc hội hoàn toàn yên tâm và tin tưởng vào sự quyết liệt, điều hành, sự chuẩn bị của Chính phủ trong việc chuẩn bị các thông tư, nghị định hướng dẫn kèm theo các dự án luật, để khi Quốc hội bấm nút thông qua, luật có hiệu lực thi hành và không phải chờ văn bản hướng dẫn.

Thưa đại biểu, trong mỗi kỳ họp, điểm nhấn đáng chú ý bao giờ cũng là phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở Quốc hội. Nhìn lại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, đại biểu đánh giá như thế nào về không khí phiên chất vấn, những vấn đề được đặt ra cũng như phần trả lời của các trưởng ngành?

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là phiên được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri rất mong đợi và quan tâm. Tôi đánh giá rằng phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7 rất thành công. Việc lựa chọn vấn đề để chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn rất đúng và trúng những vấn đề thực tiễn đang cần phải giải quyết và cử tri quan tâm.

Cùng với đó, các Bộ trưởng được lựa chọn chất vấn lần này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, đi thẳng vào những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn.

Các đại biểu Quốc hội đã tuân thủ theo đúng quy định về nguyên tắc của nghị trường, hỏi nhanh, đáp gọn, đi thẳng vào vấn đề, theo đuổi vấn đề. Điều này đã tạo được không khí trách nhiệm, thẳng thắn và cũng thể hiện được đúng được chất vấn của kỳ họp Quốc hội mong đợi.

Tôi thấy phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là một lĩnh vực đang rất nóng. Đặc biệt là về vấn đề xử lý rác thải, bảo vệ môi trường, việc đang thiếu về vật liệu cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia thì đây là những vấn đề đang rất nóng, cần phải có sự quyết liệt của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường để đưa ra giải pháp giải quyết.

Các đại biểu Quốc hội rất theo đuổi vấn đề và Bộ trưởng thì cũng rất thẳng thắn, lĩnh vực nào, những thẩm quyền nào thuộc trách nhiệm Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và trách nhiệm của các địa phương tới đâu, Bộ trưởng cũng đã làm rõ và có giải đáp. Chúng tôi thấy rằng những nội dung trả lời đã đáp ứng được mong đợi của cử tri và đại biểu Quốc hội.

Cùng với đó, phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng rất thẳng thắn, trách nhiệm, thể hiện rõ quan điểm, trách nhiệm của Bộ trưởng đối với những kết quả đạt được và cả những vấn đề hiện nay vẫn còn đang vướng mắc. Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm và cũng chỉ rõ trách nhiệm của địa phương, các bộ, ngành phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến lĩnh vực của ngành. Điều này đã được đại biểu Quốc hội ghi nhận rất là cao.

Đại biểu đánh giá như thế nào về kết quả sau chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV?

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn kết quả đạt được rất tốt, thành công. Đây chính là một kênh để cho Chính phủ nắm bắt thêm những thông tin từ thực tiễn, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đặc biệt là những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều hành từ Trung ương tới địa phương, để từ đó phục vụ công tác lãnh chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đặc biệt, ngay sau phiên chất vấn, thể hiện sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ, phủ, các bộ, ngành đã bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề đã hứa trước cử tri, những vấn đề đang bất cập mà có thể giải quyết được ngay. Thủ tướng Chính phủ đã ra ngay công điện tăng cường công tác quản lý về thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao về quản lý ngân sách, thu thuế cho ngân sách nhà nước. Đó là những giải pháp rất kịp thời, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Đại biểu đánh giá cao kết quả của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này.

Đặc biệt, đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn vào giữa vào tháng 6, đây cũng là một cách nhìn nhận lại về công tác điều hành, sự quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành, đưa ra các giải pháp cụ thể hơn trong 6 tháng cuối năm để được những mục tiêu, tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong năm 2024.

Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Tác giả: Thu Trang